Đọc bài viết trước của Twins, bạn có thắc mắc tại sao kem chống nắng vật lý lại có thể phản xạ tia UV? Với câu hỏi này, hôm nay Twins sẽ nói đến thành phần trong kem chống nắng, bao gồm cả những kiến thức về hai thành phần quen thuộc là Titanium Dioxide và Zinc Oxide. Hãy tập trung cao độ và lấy giấy bút ra ghi chép ngay thôi nào!
Thành phần không thể thiếu trong kem chống nắng vật lý
Titanium Dioxide (TiO2)
Titanium Dioxide (hay TiO2) là 1 trong 21 thành phần chống nắng được FDA gắn nhãn GRASE (Generally Recognized As Safe and Effective) với nồng độ sử dụng từ 2-25%. GRASE thể hiện rằng các thành phần này đã được công nhận về tính hiệu quả và an toàn. FDA cũng sẽ không giám sát hay kiểm tra chất lượng những thành phần có nhãn này trong sản phẩm. Có thể bạn chưa biết! Titanium Dioxide đã được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Titanium Dioxide có 2 dạng kích thước phân tử Micro (nhỏ) và Ultra (lớn). Kích thước càng lớn thì càng ít ổn định và dễ làm da trở nên trắng bệch thiếu tự nhiên. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng kích thước nhỏ sẽ dễ xâm nhập vào da, gây hại cơ thể. Quá nhiều tranh cãi đúng không? Bạn cứ bình tĩnh, Twins sẽ giải thích vấn đề này cho bạn ngay.
Titanium Dioxide có kích thước nhỏ sẽ không xâm nhập vào da. Do đó, bạn không cần phải lo lắng chúng sẽ đi vào cơ thể bạn. Ngay cả đối với các hạt siêu nhỏ “Nano TiO2”, kích thước phân tử của chất phủ lên các hạt nano này vẫn đủ lớn để ngăn TiO2 xuyên qua da. Và bạn có thể yên tâm sử dụng Titanium Dioxide chống nắng mà không tổn hại đến da hoặc cơ thể.
Tuy nhiên, Titanium Dioxide tồn tại dưới dạng bụi với nồng độ cao có thể gây tổn thương phổi. Ngoài ra, kem chống nắng dạng xịt chứa chất này cũng tồn tại rủi ro nếu lỡ hít vào. Do đó, nếu dùng kem chống nắng dạng xịt cho mặt, bạn cần che đi vùng mũi và miệng để đảm bảo an toàn.
Zinc Oxide (ZnO)
Nếu đã có Titanium Dioxide thì phải có Zinc Oxide (hay ZnO – Kẽm oxit). Đây là bộ đôi thành phần không thể thiếu trong kem chống nắng vật lý. Zinc Oxide đã được FDA phê duyệt với nồng độ tối đa 25%. Nếu TiO2 vướng phải tranh cãi về việc thâm nhập vào da, ZnO lại không gây ra bất kỳ ý kiến trái chiều nào. Các nghiên cứu đều cho thấy Zinc Oxide an toàn, ngay cả khi sử dụng nhiều lần. Ở châu Âu, thành phần này được dán nhãn cảnh báo là vì có độc tính đối với đời sống thủy sinh. Tất nhiên, Zinc Oxide cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu lỡ nuốt hoặc hít phải.
Zinc Oxide được sản xuất từ quặng kẽm tự nhiên, siêu tinh khiết, không lẫn với các kim loại khác. Kích thước hạt của chất này trong khoảng 200-1000nm. ZnO là một dạng bột màu trắng, không mùi, không tan nhưng phân tán trong nước và dầu. Trong kem chống nắng vật lý, kẽm oxit tạo lớp màng bảo vệ da khỏi tác động của tia UV và cả các tác nhân gây hại khác từ môi trường. Khả năng chống nắng của Zinc Oxide cao hơn Titanium Dioxide một chút. Vì thành phần này chống được cả tia UVA1, UVA2 và UVB. Với kích thước phù hợp, ZnO sẽ trở nên trong suốt với ánh sáng nhưng vẫn chặn được tia UV. Do đó có thể tránh làm da trắng bệch khi thoa kem chống nắng vật lý.
Ngoài ra, Zinc Oxide còn được dùng như chất bảo vệ, làm dịu da và mau lành vết thương. Do vậy, đây là thành phần siêu lành tính và phù hợp với mọi loại da.
Silicone trong mỹ phẩm là gì?
Silicone là hợp chất có nguồn gốc từ nguyên tố Silicon, thứ 14 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố. Vì nằm ngay dưới Carbon, nguyên tố này sẽ có một số đặc điểm hóa học tương tự như Carbon. Hầu hết các silicone bạn tìm thấy trong mỹ phẩm đều dựa trên các liên kết (-Si-O-Si-). Người ta sản xuất bằng cách chuyển đổi thạch anh thành silicone, sau đó tiếp tục phản ứng với methyl clorua tạo ra nhiều loại chlorosilanes. Các chất này sẽ được phản ứng thêm với nước để tạo ra silanol (-Si-OH). Cuối cùng là chuyển đổi thành những thành phần như Dimethicone, Cyclomethicone và tất cả các loại silicone quen thuộc khác trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Nhiệm vụ của Silicone trong kem chống nắng vật lý
Trong kem chống nắng vật lý, Silicone có thể được dùng để bao bọc phân tử chống nắng. Khi bọc Titanium Dioxide và Zinc Oxide lại, Silicone sẽ tạo ra một lớp màng trơ quanh chúng. Điều này giúp tăng khả năng phòng thủ của cả hai trước tia UV nguy hiểm. Ngoài ra, Silicone còn làm tăng kích thước phân tử của Titanium Dioxide và Zinc Oxide. Lúc đó, hai thành phần này lại càng không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Như vậy, kem chống nắng vật lý có thể tránh đi những tranh cãi về việc chứa các thành phần có thể xuyên qua da, đi vào cơ thể gây hại.
Silicone có gây tắc nghẽn lỗ chân lông?
Bạn biết không, Silicone đã được chứng minh có tác dụng giảm thiểu tình trạng khô da và bong tróc gây ra bởi các hoạt chất trị mụn như benzoyl peroxide và kháng sinh. Từ quan điểm hóa học, hầu hết Silicon là các chất dễ bay hơi. Và đương nhiên kết cấu dày, nhớt ban đầu của chúng cũng sẽ bay hơi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu nói thành phần này hoàn toàn không gây tắc nghẽn lỗ chân lông thì cũng không chính xác.
Qua bài viết, Twins hy vọng bạn đã hiểu hơn về những thành phần trong kem chống nắng vật lý. Titanium Dioxide, Zinc Oxide thực hiện chức năng gì? Để từ đó có thể chủ động hơn trong việc chọn kem chống nắng phù hợp với làn da riêng mình.